Sáng 22/8/2023, tại Trường Đại học Đông Á, 33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng đã chính thức khai mạc hội nghị “Công bố chương trình chuyên sâu theo lĩnh vực chuyên sâu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) tổ chức.
Đến dự Hội nghị có các đại diện các sở ban ngành, tập đoàn/doanh nghiệp lớn, cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp/nhóm khởi nghiệp, cá nhân/đại diện các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các đơn vị truyền thông tham dự hội nghị.
Hội nghị “Công bố chương trình chuyên sâu theo lĩnh vực chuyên sâu chodoanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”
Sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Ông Phạm Duy (Trưởng ban ươm tạo, NSSC) chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đánh giá của Startup Blink năm 2023, Việt Nam xếp thứ 54 trên thế giới và thứ 12 châu Á – Thái Bình Dương về hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cụ thể hơn là trong những năm qua, Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký thành lập mới tại Việt Nam năm 2022 tăng mạnh mẽ, đạt 170.000 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với năm 2021, Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết. Tổng vốn đầu tư vào các khởi nghiệp tại Việt Nam đã đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 9 lần so với năm 2015. (Theo DealStreetAsia) và Việt Nam đã sản sinh ra một số startup tiêu biểu có tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới như ELSA, VNG, Tiki, VNPay và nhiều khởi nghiệp khác.
Ông Phạm Duy nhấn mạnh những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, Sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, như: Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 80/2021/NĐ-CP về Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ;…
Thứ hai, Sự phát triển của công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự phát triển của công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo ra nhiều cơ hội cho khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, thương mại điện tử,…
Thứ ba, Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia đã tham gia tích cực vào hệ sinh thái khởi nghiệp, thông qua các hoạt động đầu tư, hợp tác, đào tạo,…
Ông Từ Minh Hiệu – Phó trưởng phòng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) khẳng định vai trò thiết yếu giữa các bên hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: “Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang tăng đột biến, và quy mô vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang tăng mạnh. Chính phủ đã đặt nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên để đảm bảo rằng hệ sinh thái này tiếp tục phát triển và vươn tầm quốc tế.”
Cần có những “hành động cụ thể” để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang trong giai đoạn từng bước phát triển, đòi hỏi những nhu cầu cấp thiết từ các chủ thể (startup, nhà/quỹ đầu tư, đơn vị hỗ trợ/đơn vị cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp/tập đoàn…). Từ bài toán đặt ra, nền tảng Adapter.vn đã được xây dựng và phát triển với mục tiêu kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt là kết nối đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
“Các doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Họ không chỉ đầu tư mà còn mang đến những cơ hội, kinh nghiệm và hỗ trợ đối với các startup nhỏ. Điều này làm nổi bật sự đoàn kết và sự hợp tác cần thiết để phát triển khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.” Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Giám đốc Công ty cổ phần TAO chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, Ông Phạm Duy (Trưởng ban ươm tạo, NSSC) đã công bố chương trình ươm tạo chuyên sâu theo lĩnh vực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chương trình là một sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ, và thị trường trong lĩnh vực cụ thể như công nghệ về nước, năng lượng và bền vững, y học, và trí tuệ nhân tạo. Tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực tiềm năng, cung cấp hỗ trợ chuyên sâu, và kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia và nhà đầu tư hàng đầu. Đây là một giải pháp hiệu quả để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế – xã hội.
__Kim Dung__