Ngày 24/11/2023, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) đã tổ chức Hội nghị Công bố kết quả ươm tạo chuyên sâu và Kết nối đầu tư (Demo Day). Hội nghị nhằm tổng kết kết quả của khóa ươm tạo chuyên sâu dành cho các doanh nghiệp Khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời là dịp để các doanh nghiệp trình bày mô hình, ý tưởng; tạo không gian để doanh nghiệp tương tác và kết nối với các đối tác tiềm năng, nhân cơ hội đó thực hiện gọi vốn từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Tham dự hội nghị gồm có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chuyên gia và nhà đầu tư từ các doanh nghiệp lớn và các tổ chức hỗ trợ; đại diện từ các viện, trường; đại diện từ các đơn vị truyền thông; và lãnh đạo từ các sở ban ngành tại địa phương.
Hội nghị được tổ chức trong hai phiên: phiên buổi sáng là thời gian trình bày các bài tham luận với những thông tin hữu ích từ các chuyên gia về các lĩnh vực môi trường, kinh tế, và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phiên buổi chiều bao gồm các hoạt động kết nối và gọi vốn giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các nhà đầu tư.
Chương trình ươm tạo chuyên sâu theo lĩnh vực được xây dựng nhằm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp được học tập và nâng cao kiến thức liên quan đến vận hành và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, nội dung ươm tạo tập trung vào các lĩnh vực có tầm ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống hiện nay như công nghệ xử lý nước, năng lượng bền vững, y học, và trí tuệ nhân tạo. Chương trình đóng vai trò tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đổi mới, là nơi tập trung các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp và các cá nhân có niềm đam mê với khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng việc tư vấn, định hướng chiến lược phát triển, và kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Trên cơ sở tổng kết Chương trình ươm tạo, Hội nghị Công bố kết quả ươm tạo chuyên sâu và Kết nối Đầu tư được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tham gia Chương trình ươm tạo có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư và thực hiện gọi vốn, nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội nghị của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC)
Các bài tham luận được giới thiệu trong phiên buổi sáng của Hội nghị đào sâu vào các vấn đề thiết yếu trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và bền vững như:
- Bối cảnh hệ sinh thái và thực trạng về khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam;
- Vai trò của vườn ươm trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội;
- Thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng;
- Tầm quan trọng của giải pháp tăng trưởng xanh đối với sự phát triển về kinh tế xã hội của quốc gia;
- Tính cần thiết của việc đào tạo, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Đây đều là các chủ đề mang tính chất thiết thực, hữu ích, bao hàm cả diễn biến thực trạng và đề xuất giải pháp cho các vấn đề quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Một trong những nội dung nổi bật trong phiên sáng của Hội nghị là thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực tăng trưởng xanh tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Trong những năm gần đây, tình hình khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua các tiêu chí:
- Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký thành lập mới tại Việt Nam năm 2022 đạt 170.000 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với năm 2021;
- Quy mô vốn đầu tư vào khởi nghiệp tăng mạnh: Theo báo cáo của DealStreetAsia, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với năm 2015;
- Xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp tiêu biểu và sản phẩm nổi bật tương ứng bao gồm: Công ty TNHH ELSA với Ứng dụng học tiếng Anh Elsa Speak; Công ty cổ phần Công nghệ VNG với loạt trò chơi trực tuyến hấp dẫn và ứng dụng Zalo cùng ví điện tử ZaloPay; Công ty TNHH Ti Ki (Tiki) với Sàn thương mại điện tử Tiki; Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt (VNLife) với Ví điện tử VNPay,…
Để đạt được thành tựu nổi bật đó, không thể không kể đến sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, trong đó nổi bật là quyết định Quyết định 844/QĐ-TTg, chỉ đạo phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, cũng chính là nền tảng thúc đẩy Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) tổ chức các hoạt động ươm tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực với vai trò chuyên gia hỗ trợ và nhà đầu tư của các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn đa quốc gia cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều gian nan và thách thức. Nhiều công ty khởi nghiệp gặp một số khó khăn như khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, ý tưởng kinh doanh chưa phù hợp, trình độ quản lý còn non yếu, hoặc thiếu hụt nguồn vốn để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Nhận thức được tình trạng đó, Chương trình ươm tạo chuyên sâu theo lĩnh vực đã được tổ chức để đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, và đã khép lại với Hội nghị Công bố kết quả ươm tạo chuyên sâu và kết nối đầu tư.
Thông qua hội nghị, tổng cộng có 4 dự án khởi nghiệp sáng tạo đã nhận được sự quan tâm cũng như đạt được thỏa thuận góp vốn với nhà đầu tư. Các dự án bao gồm:
- Dự án Đầu tư và tích lũy vàng công nghệ NFC Hanagold – phát triển bởi Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Hanagold;
- Dự án Redox Flow Battery Technology – phát triển bởi Công ty Cổ phần Công nghệ lưu điện Khối lớn BK (BK Holdings);
- Dự án Máy lọc khí thế hệ mới AIRemedy – phát triển bởi Công ty cổ phần TreeOtek (TreeOtek., JSC);
- Dự án Hệ thống xử lý nước với công nghệ MET – phát triển bởi Công ty TNHH công nghệ xử lý nước Toàn Á.
Các dự án tập trung tuy thuộc đa dạng các lĩnh vực nhưng đều mang xu hướng chủ đạo là bền vững và sáng tạo. Dự án Hanagold giới thiệu hình thức bảo vệ tài sản và đầu tư tài chính mới thông qua công nghệ NFC; Dự án Redox Flow Battery giới thiệu sản phẩm pin Redox Flow sử dụng chất lỏng điện phân, chủ yếu được dùng cho các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn; Dự án AIRemedy giới thiệu sản phẩm máy lọc khí tích hợp với cây xanh, vừa là thiết bị lọc không khí, vừa là cây cảnh trang trí và tạo ra khí CO2 tự nhiên cho căn nhà; Dự án Hệ thống xử lý nước thải MET nổi bật ở việc không sử dụng lõi lọc, điện năng và hóa chất trong quá trình xử lý nước, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành và tối giản hóa quy trình lắp đặt.
Thành công của các dự án nói trên đã cho thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý từ các đơn vị, đối tác ở trong và ngoài nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo và bền vững, của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
__Kim Dung__