Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Sắp thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Ngày 07/6/2023, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực dân tộc và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã trả lời câu hỏi chất vấn của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng về việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Đà Nẵng.
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc chậm thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Mặc dù, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 50, Quyết đinh 188 để điều chỉnh vấn đề này, nhưng đến nay nhiều nơi chưa thành lập được, trong đó có Đà Nẵng.
(Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại phiên chất vấn)
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập trung tâm khởi nghiệp quốc gia tại 3 vùng (Bắc – Trung – Nam) là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Theo dự kiến các quyết định thành lập sẽ được ban hành trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2023.
Cũng theo Bộ trưởng, các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn, được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhận nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc thành lập trung tâm khởi nghiệp quốc gia; mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, bảo đảm đúng quy định và hiệu quả…
Cần những chính sách đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) chất vấn, Việt Nam đã có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo. Ông đề nghị bộ trưởng chia sẻ về việc quản lý mô hình này 4 năm qua (từ 2019) rút ra kinh nghiệm gì, ứng dụng trong ba trung tâm mới ra sao?
Trao đổi với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo đã được thành lập tại Hòa Lạc, Hà Nội, qua khảo sát thực tế, trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương khác. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, cần có sự điều chỉnh đề phù hợp nhất với các địa phương.
Bộ trưởng cho biết, kinh nghiệm rút ra từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hà Nội là có những chính sách đặc thù cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có chính sách giảm thuế, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư.
Khuyến khích phát triển sáng chế trong nước
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, kết quả từ nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất, kinh doanh luôn tồn tại rủi ro. Các sản phẩm không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo dễ bị vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề tương quan của các chính sách pháp luật có liên quan, qua đó khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học nghiên cứu ở trong nước?
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, tiếp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành Y tế, Viễn thông, Giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.
(Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn)
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương chung là Chính phủ ưu tiên thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay đã có chủ trương và ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, đã xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong thời gian tới sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó triển khai tại các vùng.
Các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài cũng được khuyến khích đầu tư trung tâm nghiên cứu và triển khai, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bước đầu có kết quả tốt.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội, là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, có điều kiện triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, như tại Đà Nẵng, TP.HCM và các vùng khác.
Minh Trang