Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.Đà Nẵng đang phát triển rất tích cực, song để sớm hình thành Trung tâm khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng cần bước đột phá mới.
Theo Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, tầm nhìn đến năm 2045 thành phố “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. Trong những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự hình thành và phát triển không ngừng của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng
“Thành phố đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hỗ trợ trực tiếp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ,… Thành phố đã chú trọng phát triển cơ sở vật chất cho khởi nghiệp như bố trí trụ sở làm việc và không gian đổi mới sáng tạo trong Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm số 2 của thành phố, tòa nhà làm việc của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố và phối hợp với Bộ KH&CN để thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp cho 18 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ 46 doanh nghiệp theo chính sách đổi mới công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ với kinh phí 5,1 tỷ đồng.
Với những nỗ lực đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng đang ngày càng phát triển, đã có các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD như Datbike, Selly, Hekate… Các sản phẩm của doanh nghiệp KNST đã bước đầu thương mại hóa, tiếp cận thị trường… thành phố cũng đã được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam – Vinasa vinh danh Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2020 và 2022”, ông Trần Chí Cường cho biết.
Thành tố chính “ba nhà” (nhà nước – nhà trường, viện nghiên cứu – nhà doanh nghiệp) tham gia tích cực vào hệ sinh thái nhưng chưa có các tập đoàn lớn tham gia, hỗ trợ và đầu tư KNST; mới có 2 trung tâm KNST tổ chức kết nối, đào tạo, chưa có nhiều doanh nghiệp hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường.
Theo ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, để tạo đột phá trong phát triển hệ sinh thái KNST, Đà Nẵng đã đề xuất HĐND thành phố về 3 nội dung trọng tâm. Đó là đầu tư, xây dựng tòa nhà, khu làm việc và đào tạo KN của Đà Nẵng.
Thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động vay vốn cho các dự án KNST trên địa bàn. Xây dựng và triển khai đề án thành phố đổi mới sáng tạo, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Quan điểm chung là hạ tầng phải đi trước, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) – viễn thông phải sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện Đà Nẵng đang đầu tư và thu hút đầu tư lớn vào 9 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT. Trong đó, có Khu CNTT Đà Nẵng giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, Hòa vang) và Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng.
Khu công viên phần mềm số 2 được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020, tổng diện tích xây dựng là 28.573 m2, tổng mức đầu tư hơn 986 tỷ đồng. Dự kiến, hoàn thành toàn bộ gói thầu trong năm 2023 và đưa vào khai thác, hình thành một không gian đổi mới sáng tạo với tổng diện tích hơn 21.000 m2. Đây là nơi sẽ giải quyết bố trí địa điểm sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đáp ứng 6.000 vị trí việc làm công nghệ thông tin, công nghệ số, hình thành Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia tại Đà Nẵng như mục tiêu đề ra.
Cần có cơ sở hạ tầng đảm bảo để các nhà khởi nghiệp và chuyên gia cùng làm việc, hỗ trợ phát triển là điều kiện đầu tiên để có những dự án khởi nghiệp được ươm tạo thành công. Hiện nay, một số dự án dù rất mong muốn phát triển trên quê hương song vì gặp khó về mặt bằng đã phải “bỏ xứ mà đi” sau một thời gian tìm địa điểm mặt bằng phù hợp và đặc biệt nhu cầu được hỗ trợ về giá ở giai đoạn “lên mầm” còn thiếu hụt.
Việc đầu tư và tận dụng nguồn lực cần có những tính toán kỹ lưỡng, đúng đối tượng để sử dụng hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí nhằm sớm hình thành Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia tại TP Đà Nẵng.
__Kim Dung__