Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia: Cần có cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp

Thực hiện Quyết định 188/QĐ-TTg (ngày 9/2/2012) của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung – Tây Nguyên nói chung, kết nối với hệ sinh thái cả nước và quốc tế.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng với hai cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (1930-2030), kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945-2045). Điều đó, đặt ra trọng trách rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với sự phát triển trong vòng mấy chục năm đến. Đi cùng với đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần định hình rõ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng trong hơn 20 năm đến và giải quyết hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế, đô thị với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

“Để đạt được mục tiêu này, nhất thiết phải hình thành Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có nguồn nhân lực đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và đầy lòng nhiệt huyết với sự nghiệp ĐMST”, TS Lê Đức Viên – Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng nhấn mạnh.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng

Tính đến nay, Đà Nẵng đã hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố và 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 4 quỹ đầu tư khởi nghiệp và các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng phát triển, cơ bản đầy đủ các thành tố với các trụ cột chính là: cơ quan Nhà nước; viện nghiên cứu, trường đại học; tổ chức hỗ trợ; cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể liên quan cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đã có các kết quả tích cực và đi vào chiều sâu. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng, trong đó một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thu hút được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2020 và năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã 2 lần nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh. Đây là giải thưởng có ý nghĩa quan trọng nhằm ghi nhận những đóng góp trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Để phát triển Trung tâm cần đổi mới cơ chế, chính sách đặc thù

Với những nền tảng căn bản mà Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển trong chặng đường vừa qua đã cho thấy tiềm lực phát triển của thành phố này. Việc thiết lập Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng đã chín muồi về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn và sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và cả TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên theo TS. Lê Đức Viên: Để có một Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia đủ mạnh tại Đà Nẵng thì về mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận, nhà nước phải bảo đảm 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh. Về cơ chế chính sách, hiện nay chúng ta cần có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST.

Bên cạnh đó cũng theo ông Viên, cần phải có cơ chế chính sách đủ thuyết phục, lan tỏa. Kể cả Quyết định 844/QĐ-TTg (tháng 5/2016) ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” và Quyết định sửa đổi bổ sung số 188/QĐ-TTg (tháng 2/2021) vẫn chỉ là các văn bản cá biệt và cũng bị chi phối bởi các văn bản luật khác. Hơn nữa, Nghị định 94/2020/NĐ-CP (ngày 21/8/2020) của Chính phủ là quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù dành riêng cho Trung tâm ĐMST thuộc Bộ KH&ĐT chứ không phải áp dụng cho cả nước.

Về cơ chế đặc thù cho các Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia, theo ông Viên, việc cần thiết lúc này là sửa đổi ngay Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm ĐMST quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP Đà Nẵng thụ hưởng.

Nghị định 94 mới được ban hành ngày 21/8/2020 nhưng nay đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, hiện Bộ KH&ĐT đang giao Trung tâm ĐMST quốc gia (thuộc Bộ KH&ĐT) chủ trì, tham mưu sửa đổi. Việc sửa đổi Nghị định 94 cần theo hướng có cơ chế, chính sách vượt trội với mục tiêu xa hơn và mang tính chiến lược hơn.

Đồng thời, phải giải quyết được các bất cập trong Thông tư 45/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, như giới hạn không hỗ trợ quá 10 dự án/năm, kinh phí trao giải Cuộc thi khởi nghiệp không bảo đảm liên tục từ ngân sách nhà nước, không có kinh phí hỗ trợ hoạt động kết nối của dự án khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động kinh doanh, mua bán chuyển nhượng vốn liên quan hoạt động ĐMST. Cần có chính sách ưu đãi đối với thu nhập từ lương, tiền công chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH&CN.

Từ thực tiễn của Đà Nẵng, TS. Lê Đức Viên kiến nghị cần có quy định cho phép các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, không gian ĐMST khu vực công được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi không gian ĐMST. Đồng thời có chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách TP chi phí ươm tạo dự án khởi nghiệp ĐMST.

Cũng như cần có quy định cho phép triển khai mô hình PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) cho đầu tư cơ sở ươm tạo, trung tâm nghiên cứu. Có quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN, khởi nghiệp ĐMST được khai thác tài sản công hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo hướng nhà nước quản lý, tư nhân khai thác vận hành thông qua đặt hàng.

Và cùng với đó, cần phải có bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương để việc điều tra, khảo sát đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hàng năm của TP Đà Nẵng và các địa phương khác được thống nhất.

Thảo Anh

Previous Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế – xã hội trong khu vực với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Leave Your Comment

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia

Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thông tin khởi nghiệp

Nhập email vào ô dưới để đăng ký nhận thông tin về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

NSSC © 2022. All Rights Reserved